Xơ gan là bệnh lý tổn thương nhu mô gan hay gặp, là hậu quả của rất nhiều tổn thương gan do nhiều căn nguyên như tổn thương gan do rượu, viêm gan virus B mạn tính, viêm gan virus C mạn tính,... Nhu mô gan lành bị xơ hóa, tạo các dải xơ, các tiểu thùy gan giả thay thế tiểu thùy gan lành, gây rối loạn tuần hoàn tại gan. Tổn thương xơ hóa tiếp tục nhiều năm, tổn thương không hồi phục, cuối cùng toàn bộ nhu mô gan bị xơ hóa lan tỏa.
1. Các giai đoạn xơ gan
Xơ gan được phân loại thành xơ gan còn bù và xơ gan mất bù, biểu hiện lâm sàng gồm hai hội chứng chính là hội chứng suy tế bào gan và hội chứng tăng áp lực tĩnh mạch cửa. Giai đoạn đầu thường gặp xơ gan còn bù, diễn ra có thể rất nhiều năm, chức năng gan chưa bị suy giảm nhiều, người bệnh thường không có biến chứng.
Theo tiến triển thời gian, sự xơ hóa tăng, chức năng gan bị suy giảm nhiều, gây xơ gan mất bùvới rất nhiều biến chứng. Chẩn đoán xơ gan cần dựa vào các triệu chứng lâm sàng, các xét nghiệm trong đó sinh thiết gan là tiêu chuẩn vàng trong chẩn đoán xác định. Việc điều trị xơ gan gồm nhiều biện pháp, trong đó cần loại trừ nguyên nhân gây xơ gan, dự phòng và điều trị các biến chứng,… 2. Nguyên nhân Xơ gan
Xơ gan là hậu quả tổn thương gan trong thời gian dài do rất nhiều nguyên nhân gây ra. Một số nguyên nhân gây xơ gan đã được biết nhiều như: - Rượu bia: việc sử dụng rượu bia với số lượng nhiều trong thời gian dài gây tổn thương gan, ban đầu là gan nhiễm mỡ, sau đó là viêm gan do rượu, cuối cùng là xơ gan do rượu - Virus viêm gan mạn: virus viêm gan B và virus viêm gan C là hai virus gây tổn thương gan mạn hay gặp nhất. Tổn thương viêm tế bào gan nhiều năm, nếu không được điều trị kịp thời, hậu quả dẫn tới xơ gan và ung thư gan. - Tổn thương gan do thuốc, độc chất: một số thuốc dùng trong thời gian dài có thể gây tổn thương gan mạn tính, tạo điều kiện cho quá trình xơ hóa gan như thuốc điều trị bệnh lý về tâm thần ( clopromazin), thuốc điều trị lao,... Các độc chất khác có thể là căn nguyên gây bệnh như aflatoxin, dioxin,.. - Tổn thương gan do căn nguyên ký sinh trùng: toxocara, sán lá gan lớn, sán lá gan nhỏ,… - Tắc mật gây biến chứng xơ gan mật,… - Hội chứng Banti: xơ gan, lách to,… - Xơ gan mật nguyên phát. - Các bệnh lý khác do rối loạn chuyển hóa di truyền như: bệnh Willson, thiếu hụt anpha-1-antitrypsin, bệnh rối loạn chuyển hóa pocphyrin,…
- Một số bệnh mạch máu hoặc gan bị sung huyết như bệnh lý tắc tĩnh mạch gan, tĩnh mạch trên gan, hội chứng Budd-Chiari,..
- Một số người bệnh xơ gan không thể xác định được nguyên nhân.
3. Triệu chứng Xơ gan
Biểu hiện lâm sàng của xơ gan bao gồm hai hội chứng chính là hội chứng suy tế bào gan và hội chứng tăng áp lực tĩnh mạch cửa. - Hội chứng suy tế bào gan: có thể gặp trong rất nhiều các bệnh lý về gan, các triệu chứng đa dạng như người bệnh thấy mệt mỏi, làm việc ít hiệu quả, ngủ không ngon giấc, chán ăn, ăn không ngon, ăn kém, dẫn tới có thể gầy sút cân, người bệnh rối loạn tiêu hóa: tiêu chảy hoặc táo bón, đau bụng mơ hồ vùng gan, chướng hơi,… Trường hợp nặng hơn có thể có vàng mắt, vàng da, sao mạch, xuất huyết da và niêm mạc, sốt nhẹ, phù tay chân, tiểu vàng sẫm,… - Hội chứng tăng áp lực tĩnh mạch cửa: cũng là hậu quả của nhiều nguyên nhân, trong bệnh lý xơ gan gặp trong xơ gan mất bù, áp lực tĩnh mạch cửa tăng gây ra nhiều hậu quả. Trên lâm sàng có các biểu hiện: lách to, cổ chướng, tuần hoàn bàng hệ, giãn tĩnh mạch thực quản gây xuất huyết tiêu hóa,…
Triệu chứng lâm sàng của bệnh xơ gan đa dạng, tùy thuộc vào các giai đoạn của bệnh như xơ gan còn bù hoặc xơ gan mất bù. Giai đoạn sớm của bệnh, người bệnh xơ gan đôi khi không biểu hiện rõ triệu chứng trên lâm sàng hoặc triệu chứng mơ hồ, không đặc hiệu, rất khó phân biệt với một số bệnh lý khác. Người bệnh đôi khi thấy mệt mỏi, khó làm việc tập trung, cơ thể trong tình trạng thiếu năng lượng, ăn uống không thấy ngon miệng, ăn kém đi, thi thoảng có thể buồn nôn, nôn, sút cân nhẹ, có rối loạn tiêu hoá, chướng bụng, khó tiêu,…
Theo tiến triển thời gian, các triệu chứng trên thường rõ ràng và nghiêm trọng hơn, bên cạnh đó, bệnh nhân có nhiều triệu chứng của xơ gan mất bù như: người bệnh vàng mắt, vàng da rõ, kèm theo tiểu vàng đậm; ngứa da do ứ đọng sắc tố mật; xuất hiện sao mạch vùng cổ, xuất huyết dưới da và niêm mạc, bầm tím vị trí va chạm mạnh, vị trí tiêm truyền; lòng bàn tay son; phù chân, phù tay; ảnh hưởng đến ham muốn tình dục; tuần hoàn bàng hệ; cổ chứng nhiều mức độ, thậm chí có thể gây thoát vị rốn; hội chứng não gan gây ảnh hưởng đến tinh thần, ý thức; xuất huyết tiêu hóa như nôn máu, đi ngoài phân máu, khi nội soi thấy giãn tĩnh mạch thực quản nhiều mức độ; tiểu ít, suy thận khi có hội chứng gan thận,… Nếu không được chẩn đoán, xử lý kịp thời, bệnh có thể tiến triển nhanh, xảy ra các biến chứng nguy hiểm đến tính mạng như xuất huyết tiêu hóa cao trong giãn tĩnh mạch thực quản, hội chứng gan thận, sốc nhiễm khuẩn,...
4. Các biến chứng Xơ gan
Các biến chứng của xơ gan bao gồm: tăng áp lực tĩnh mạch cửa, xuất huyết tiêu hóa, cổ chướng và phù, nhiễm trùng dịch cổ trướng, nhiễm trùng cơ quan bộ phận khác, sốc nhiễm khuẩn, hội chứng não gan, hội chứng gan thận, hội chứng gan phổi, ung thư biểu mô tế bào gan,… hậu quả cuối cùng là tử vong.
5. Phòng ngừa Xơ gan
Xơ gan là bệnh rất khó để chữa khỏi hoàn toàn, tuy nhiên có thể phòng bệnh xơ gan bằng một số biện pháp như:
- Tuyên tuyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và nâng cao sức khỏe;
- Dự phòng lây truyền viêm gan virus B từ mẹ sang con, tiêm phòng một số vắc xin phòng viêm gan virus như vắc xin viêm gan B;
- Sử dụng nguồn lương thực, thực phẩm hợp vệ sinh và đảm bảo an toàn thực phẩm;
- Thực hiện sinh hoạt lành mạnh, không hút thuốc lá, tập thể dục, tránh béo phì, quan hệ tình dục an toàn; không tiêm chích ma túy;
- Không lạm dụng rượu bia, sử dụng rượu bia hợp lý;
- Không sử dụng các thuốc điều trị bệnh lý khác mà không rõ nguồn gốc, xuất xứ và không được bác sĩ khuyến cáo sử dụng;
- Thực hiện an toàn truyền máu, các thủ thuật xâm lấn cần tuân thủ nguyên tắc kiểm soát nhiễm khuẩn;
- Thường xuyên kiểm tra và theo dõi sức khỏe; phát hiện sớm và điều trị sớm người mắc các bệnh lý về gan,…
Tác giả bài viết: NCQ, Phòng Dân số - Truyền thông, Giáo dục sức khỏe
Nguồn tin: Bác sĩ Mai Thị Hạnh - Khoa Nội tổng hợp