1. Viêm phổi thùy là gì?
- Viêm phổi thùy là tình trạng viêm nhiễm gây tổn thương nhu mô phổi bao gồm phế nang, túi phế nang, ống phế nang, tổ chức mô liên kết và tiểu phế quản tận cùng.
2. Nguyên nhân
- Vi khuẩn: Thường gặp nhất là phế cầu, các loại vi khuẩn khác như liên cầu, tụ cầu, hemophilus influenza, Mycoplasma...
- Virus: Cúm, sởi, ho gà..
- Ký sinh trùng
3. Dấu hiệu nhận biết viêm phổi thùy
* Nguyên nhân thường thấy nhất của viêm phổi thùy là do vi khuẩn phế cầu, các triệu chứng điển hình của viêm phổi thùy do phế cầu:
* Triệu chứng lâm sàng
- Bệnh xuất hiện đột ngột với triệu chứng sốt cao 39-40 độ C, sốt kèm rét run, mạch nhanh mặt đỏ, kích thích vật vã, sau vài giờ xuất hiện khó thở, toát mồ hôi, môi tím, thở nhanh, có thể li bì, hôn mê
- Đối với người già các triệu chứng thường ít rầm rộ hơn
- Cơn sốt có thể kèm theo triệu chứng co giật nhất là với trẻ nhỏ nhưng chọc dò dịch não tủy bình thường.
- Đau ngực: Là triệu chứng điển hình thường xuyên xuất hiện, đau bên tổn thương, đau tăng khi người bệnh nằm nghiêng về bên tổn thương.
- Ho khan lúc đầu, ho nhẹ sau đó ho có đờm đặc có màu gỉ sắt (đặc trưng của viêm phổi thùy do phế cầu), ho nhiều từng cơn
- Rối loạn tiêu hóa nôn, buồn nôn, chướng bụng, đau bụng.
- Khám:
- Trong những giờ đầu nghe phổi thấy rì rào phế nang giảm bên tổn thương, có thể nghe thấy tiếng cọ màng phổi
- Đến thời kỳ toàn phát khám thấy rung thanh tăng, gõ đục, rì rào phế nang giảm hoặc mất, có tiếng thổi ống.
* Triệu chứng cận lâm sàng
- Xquang Tim Phổi: Thấy một đám mờ của một thùy hay một phân thùy phổi, có hình tam giác đáy quay ra ngoài, đỉnh quay vào trong phía rốn phổi.
- Xét nghiệm: Số lượng bạch cầu tăng, bạch cầu trung tính tăng.
- Cấy đờm xác định vi khuẩn thường là phế cầu.
4. Tiến triển của bệnh
- Nếu không được phát hiện và điều trị người bệnh sau một tuần thấy các triệu chứng tăng lên sau đó bắt đầu sốt giảm, đổ mồ hôi, người bệnh đỡ ho, đỡ đau ngực nhưng khám phổi các triệu chứng thực thể vẫn còn và hình ảnh tổn thương phổi trên phim Xquang tồn tại sau vài tuần. Bệnh ít gây tử vong, tuy nhiên vẫn có những trường hợp bệnh bị sốc biểu hiện: Khó thở, tím môi, mạch nhanh, huyết áp hạ có khi dẫn đến tử vong do trụy tim mạch, phù phổi...
5. Điều trị
- Điều trị bằng kháng sinh theo chỉ định của bác sĩ.
- Bù nước và điện giải đường uống bằng oresol hay đường tĩnh mạch bằng dung dịch nacl 0.9%.
- Điều trị triệu chứng: Giảm đau ngực và hạ sốt bằng paracetamol 10-15mg/kg cân nặng, sốt dưới 38,5 độ C chườm ấm vùng bẹn, nách. Nếu đau ngực nhiều có thể dùng thuốc giảm đau chống viêm nhóm Nsaid.
6. Cách phòng bệnh
- Điều trị triệt để các ổ nhiễm khuẩn ở vùng tai mũi họng, các đợt cấp viêm phế quản mạn tính.
- Ăn uống đầy đủ nâng cao thể trạng, tránh nhiễm bệnh.
- Hạn chế rượu bia, không sử dụng các chất có hại như thuốc lá, thuốc lào...
- Giữ ấm cơ thể nhất là vùng cổ, ngực trong mùa lạnh, thời điểm giao mùa.
- Tiêm phòng vacxin đầy đủ các loại virus, vi khuẩn phế cầu...