PHẪU THUẬT CẮT HẠCH GIAO CẢM ĐIỀU TRỊ TĂNG TIẾT MỒ HÔI

Thứ hai - 31/07/2023 10:33

Tăng tiết mồ hôi là gì?

Bệnh tăng tiết mồ hôi là tình trạng đổ mồ hôi quá nhiều kể cả trong những tình huống bình thường. Những vùng trên cơ thể thường tiết nhiều mồ hôi là nách, bàn tay và bàn chân, khiến người bệnh luôn có cảm giác ẩm ướt khó chịu vùng bàn tay hay nách, khiến người bệnh e ngại khi giao tiếp với người khác

1
Hình ảnh: bàn tay luôn ẩm ướt khiến người bệnh ngại khi giao tiếp (nguồn: internet)

Nguyên nhân gây hội chứng tăng tiết mồ hôi

Tăng tiết mồ hôi nguyên phát

Không có nguyên nhân thực thể. Người bệnh gặp tình trạng tiết ra quá nhiều mồ hôi do kích thích quá mức từ các dây thần kinh đến tuyến mồ hôi. Theo đó, mồ hôi thường tiết nhiều ở tay, nách, mặt hay bàn chân. Tình trạng này thường phát sinh từ khi còn nhỏ và đôi khi có tính chất di truyền.
 

2
Ảnh minh họa (nguồn: internet)

Tăng tiết mồ hôi thứ phát

Thường xảy ra trên toàn bộ hoặc một vùng cơ thể thay vì chỉ ở bàn tay, nách, mặt hoặc bàn chân. Đặc biệt, hội chứng này có nhiều khả năng khiến người bệnh tiết nhiều mồ hôi trong lúc ngủ.
 

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Đổ mồ hôi quá nhiều có thể là một triệu chứng của các tình trạng rất nghiêm trọng khác. Vì thế, nếu bạn gặp phải một trong các triệu chứng dưới đây, hãy đi khám để tìm nguyên nhân và can thiệp kịp thời:

  • Đổ mồ hôi kèm theo sụt cân không chủ đích
  • Đổ mồ hôi chủ yếu xảy ra trong lúc ngủ
  • Đổ mồ hôi kèm theo sốt, đau ngực, tức ngực, khó thở và tim đập nhanh
  • Đổ mồ hôi kéo dài không rõ nguyên nhân
 

Tác hại của bệnh

Tăng tiết mồ hôi quá mức có thể gây những tác hại như:

  • Ngại giao tiếp: Đổ mồ hôi quá nhiều khiến người bệnh trở nên tự ti, ngại giao tiếp với người xung quanh, đôi lúc, đánh mất cơ hội nghề nghiệp cũng như né tránh mở rộng các mối quan hệ xã hội chỉ vì mặc cảm với đôi bàn tay đẫm nước.
  • Nhiễm trùng da: da ẩm ướt là “vùng” lý tưởng để các loại vi khuẩn, vi trùng, mụn cóc sinh sôi, đặc biệt ở những vùng da kín như bàn chân, nách, bẹn. Nếu chẳng may bị vết thương hở, bệnh nhân càng đối mặt với nguy cơ nhiễm trùng cao.
  • Nhiễm nấm: thường gặp ở vùng da bẹn.
  • Bệnh nấm da chân: Đây là một bệnh nhiễm trùng do nấm phát triển ở bàn chân trong điều kiện ẩm ướt. Bệnh thường bắt đầu ở khe ngón chân, sau đó lan ra các vùng da khác.
  • Mùi hôi: Bản thân mồ hôi không tạo ra mùi khó chịu. Mùi này có nguồn gốc từ những chất mà vi khuẩn trên da tạo ra khi chúng tiếp xúc với mồ hôi. Mồ hôi ở vùng nách và bộ phận sinh dục dễ tạo mùi cơ thể nhất. Bên cạnh đó, những bệnh nhân mang giày cả ngày cũng dễ toát ra mùi khó chịu.
  • 3
    Ảnh minh họa (nguồn: internet)

Phẫu thuật cắt hạch giao cảm

Bác sĩ sẽ tiến hành phẫu thuật nội soi đốt hạch giao cảm cho bệnh nhân. Đây là loại phẫu thuật ít xâm lấn, thời gian phẫu thuật nhanh, tính thẩm mỹ cao, điều trị bệnh triệt để với tỷ lệ tái phát cực thấp và sự hài lòng cao nhất ở những bệnh nhân đã lựa chọn phương pháp này.

Phẫu thuật cắt hạch giao cảm được thực hiện với hai hoặc ba đường mổ nhỏ (0,5 – 1 cm) ở vùng nách, dụng cụ nội soi được đưa vào để quan sát và cắt bỏ các hạch giao cảm chi phối tiết nhiều mồ hôi ở vùng tương ứng của cơ thể. Ưu điểm của phẫu thuật nội soi là tính thẩm mỹ cao, đạt hiệu quả gần như tức với tỷ lệ tái phát thấp. Gần đây, với sự phát triển vượt bậc của công nghệ, phẫu thuật nội soi đốt hạch giao cảm đang dần trở thành lựa chọn hàng đầu của các bệnh nhân tăng tiết mồ hôi nguyên phát.
 

0
Hình ảnh: một ca phẫu thuật nội soi cắt hạch giao cảm vùng ngực tại TTYT huyện Cẩm Khê
a
Hình ảnh: Bác sĩ cắt hạch giao cảm vùng ngực tại Trung tâm Y tế huyện Cẩm Khê

Tác giả bài viết: NCQ, Phòng Dân số - Truyền thông, Giáo dục sức khỏe

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây