Triệu chứng bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD)
- Thứ ba - 15/08/2023 09:01
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD)
Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (Chronic Obstructive Pulmonary Disease – COPD) là tình trạng viêm niêm mạc đường thở mạn tính gây giảm chức năng thông khí ở phổi. Người bệnh thường cảm thấy khó thở vì đường thở bị hẹp so với bình thường và có thể dẫn đến suy hô hấp
Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính được chia làm hai dạng, bao gồm:
Viêm phế quản mạn tính: Là tình trạng lớp niêm mạc của các ống phế quản bị viêm. Lớp lót trong các ống phế quản phổi bị sưng tấy, đỏ và chứa đầy các chất nhầy. Các chất nhầy này là nguyên nhân gây hẹp đường thở.
Khí phế thũng là một dạng của bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính. Bệnh khí phế thũng gây ra tình trạng khó thở do các túi phổi bị tổn thương lâu ngày khiến các túi phổi bị suy yếu và vỡ ra, thay thế phần không gian nhỏ bằng không gian lớn, gây giảm diện tích bề mặt phổi, giảm lượng oxy đi vào máu.
Các triệu chứng bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) thường gặp
Các triệu chứng của bệnh thường không rõ ràng và dễ nhầm lẫn với các bệnh hô hấp khác. Các dấu hiệu bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính ban đầu có thể bao gồm:
- Cảm thấy khó thở, đặc biệt là trong các hoạt động thể chất;
- Thở khò khè;
- Tức ngực;
- Ho có đờm kéo dài;
- Nhiễm trùng đường hô hấp thường xuyên;
- Thiếu năng lượng;
- Giảm cân ngoài ý muốn (trong giai đoạn sau);
- Sưng phù ở mắt cá chân, bàn chân hoặc chân.
- Sốt nhẹ và cảm giác ớn lạnh
Nguyên nhân mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính
Có 2 yếu tố có thể là nguyên nhân bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính:
- Các yếu tố nội tại bao gồm: Tình trạng thiếu hụt, khuyết tật về gen như thiếu hụt men alpha 1 antitrypsin
- Các yếu tố do ô nhiễm môi trường: Khói thuốc lá, thuốc lào, khí thải, khí độc công nghiệp…
Hút thuốc lá chiếm hơn 90% các trường hợp mắc bệnh. Khoảng 20-30% số người hút trên 20 điếu thuốc lá mỗi ngày sẽ có các biểu hiện sớm hoặc muộn của COPD. (3)
Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính đợt cấp do tiếp xúc bụi nghề nghiệp xảy ra ở khoảng 10% các trường hợp. Thợ mỏ, công nhân xây dựng, thợ dệt, công nhân làm việc tại các xưởng luyện kim, nông dân là những người thường xuyên tiếp xúc với các yếu tố kích thích phế quản dẫn tới nguy cơ cao mắc bệnh. Các yếu tố gây bệnh bao gồm: khí độc, xi măng, các sản phẩm than đá, bụi silic và các chất kích thích sử dụng trong nông nghiệp.
Các biến chứng bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính
Nếu không được phát hiện và can thiệp sớm, bệnh COPD có thể gây ra một số biến chứng nặng nề, ảnh hưởng đến sức khỏe, chất lượng cuộc sống người bệnh, thậm chí nguy hiểm tính mạng.
1. Tràn khí màng phổi
Người bệnh mắc bệnh ở giai đoạn nặng có tình trạng tắc nghẽn đường thở kéo dài dẫn tới hiện tượng lượng khí hít vào trong phế nang không được thở ra hết. Lượng khí tích tụ này tăng lên làm cho phế nang bị căng giãn, mỏng dần đi và dễ bị vỡ vào khoang màng phổi gây ra tràn khí màng phổi. Tính mạng người bệnh sẽ bị đe dọa nếu tình trạng này kéo dài và không được khắc phục.
2. Bệnh tim
Trong giai đoạn nặng của bệnh, không khí ra vào phổi bị cản trở và không được đổi mới thường xuyên, bên cạnh đó, do vách các phế nang (túi khí của phổi) cũng bị phá hủy, lại càng làm cản trở sự trao đổi khí, do vậy làm nồng độ khí oxy trong máu bị giảm, tích đọng nhiều khí cacbonic. Tình trạng thiếu oxy thường xuyên sẽ ảnh hưởng tới hoạt động của các cơ quan đặc biệt là tim.
Không những vậy, tổn thương phế quản và phế nang càng nhiều khiến áp lực máu trong tuần hoàn phổi càng tăng, tim phải làm việc nhiều hơn, lâu ngày sẽ dẫn tới tình trạng giãn và thậm chí là suy tim phải.
3. Giảm tuổi thọ
Ngay cả bệnh nhân mắc bệnh ở mức độ nhẹ cũng có thời gian sống giảm hơn bình thường, người mắc COPD càng nặng thì thời gian sống càng ngắn. Hầu hết các bệnh nhân đều được chẩn đoán khi bệnh đã nặng hoặc rất nặng. Chỉ khoảng 70% bệnh nhân bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính nặng và 30% rất nặng sống sót sau 5 năm phát hiện bệnh.
Khoảng 30% bệnh nhân chết vì suy hô hấp cấp và mạn tính, sau đó là suy tim (13%). Các nguyên nhân gây tử vong tiếp theo bao gồm: Nhiễm trùng hô hấp, nhồi máu phổi, rối loạn nhịp tim, ung thư phổi.
4. Tàn phế
COPD là bệnh có khả năng gây tàn phế cao. Đối chiếu tiêu chuẩn tàn phế của Tổ chức Y tế Thế giới, tàn phế của bệnh do các điểm chính sau:
- Tàn phế hô hấp: tình trạng khó thở và đau cơ sẽ làm giảm khả năng vận động.
- Tàn phế về mặt xã hội: người bệnh sẽ có cảm giác như bị tách biệt khỏi xã hội, hoạt động thường ngày phải phụ thuộc người khác. Tình trạng kéo dài có thể dẫn đến trầm cảm, chất lượng cuộc sống bị suy giảm nghiêm trọng. Khoảng 60% các bệnh nhân có chỉ định thở oxy dài hạn, những trường hợp này thường cần nằm tại chỗ từ 16-18 giờ/ngày, càng làm gia tăng tình trạng trầm cảm của bệnh nhân.
Lời khuyên từ Bác sĩ:
Khi đang điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, người bệnh cần lưu ý tuân theo các chỉ dẫn:
- Bỏ hút thuốc, tránh tiếp xúc với khói thuốc;
- Dùng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ, đúng liều lượng, đúng cách;
- Tiêm phòng vắc xin cúm và phế cầu;
- Hiểu về bệnh và các dấu hiệu cần thay đổi điều trị, khám bác sĩ hoặc nhập viện cấp cứu.